Thêm thành công sản phẩm vào giỏ

Trí nhớ là gì? Phân loại trí nhớ và một số vấn đề liên quan đến trí nhớ

Ngày 29-11-2023

Trí nhớ đóng vai trò vô cùng quan trọng, là điều kiện để chúng ta tích lũy kinh nghiệm sống và sử dụng chúng trong mọi hoạt động. Tuy nhiên, nhiều người thường gặp trường hợp quên tên một người mới quen hoặc quên đi một việc quan trọng nào đó. Đây có thể là dấu hiệu bạn gặp một số vấn đề về trí nhớ.

Trí nhớ không chỉ là khả năng ghi nhớ thông tin mà còn là một quá trình phức tạp bao gồm nhiều quá trình thành phần. Trí nhớ có thể bị suy giảm do cao tuổi, bệnh lý hoặc một số nguyên nhân khác. Rối loạn trí nhớ sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người bệnh. Cùng chúng tôi tìm hiểu về trí nhớ và những cách cải thiện trí nhớ qua bài viết dưới đây nhé.

Trí nhớ là gì? Phân loại trí nhớ
Trí nhớ hay còn gọi là ký ức, là quá trình tâm lý phản ánh những kinh nghiệm đã có của cá nhân dưới những hình thức biểu tượng bằng cách ghi nhớ, giữ gìn và hồi tưởng lại thông tin. Trí nhớ là quá trình phức tạp liên quan đến nhiều cơ quan của não bộ. Trí nhớ có thể được chia làm các loại sau:

Trí nhớ tạm thời
Đây là dạng ngắn nhất của việc ghi nhớ, nó hoạt động như một tầng đệm để thu nhận kích thích do 5 giác quan mang lại. Chỉ trong khoảng thời gian cực kỳ ngắn, thông tin đã được ghi lại một cách chính xác. Trí nhớ tạm thời không thể rèn luyện bằng cách luyện tập thường xuyên nhưng lại là bước cần thiết để lưu giữ thông tin vào vùng trí nhớ ngắn hạn.

Trí nhớ ngắn hạn - trí nhớ làm việc
Đây là những ghi nhớ tạm thời khi chúng ta vừa xử lý những thông tin. Trí nhớ ngắn hạn có khả năng ghi nhớ và xử lý thông tin cùng lúc nhưng chỉ có thể lưu giữ thông tin trong một khoảng thời gian ngắn. Tuy nhiên, nếu được rèn luyện trí nhớ thường xuyên thì có thể sẽ lưu giữ thông tin lâu hơn. Trí nhớ ngắn hạn là một bước cần thiết để tiến đến trí nhớ dài hạn.


Trí nhớ được chia thành trí nhớ tạm thời, trí nhớ ngắn hạn và trí nhớ dài hạn
Trí nhớ dài hạn
Trí nhớ dài hạn là khả năng lưu giữ thông tin trong thời gian dài, có thể là vài giờ, vài ngày, vài tháng hoặc là cả đời. Trí nhớ dài hạn dường như rất ít hao mòn theo thời gian và có thể lưu giữ thông tin với thời gian vô hạn. Trí nhớ dài hạn xuất phát từ trí nhớ ngắn hạn nhưng được rèn luyện trí nhớ thường xuyên bằng việc lặp đi lặp lại nhiều lần với ý nghĩa. Có 2 dạng chính của trí nhớ dài hạn là trí nhớ có thể tường thuật và trí nhớ tiềm ẩn.

Vai trò của trí nhớ là gì?
Trí nhớ đóng vai trò quan trọng đối với cuộc sống mỗi người, nó không chỉ là chức năng của não bộ mà còn là phần quan trọng để tạo nên khả năng thích nghi và sự tiến bộ của riêng mỗi người. Trí nhớ giúp chúng ta ghi nhớ thông tin mới gồm những kỹ năng và kiến thức, hỗ trợ ta phát triển qua thời gian. 

Không những vậy, trí nhớ còn giúp chúng ta lưu giữ những kỷ niệm, trải nghiệm từ đó giúp chúng ta có nhận thức và suy nghĩ riêng. Khi cần xử lý tình huống cụ thể, kinh nghiệm được lưu giữ trong trí nhớ sẽ giúp chúng ta đưa ra quyết định và giải quyết chúng dễ dàng hơn. Đặc biệt, trí nhớ giúp chúng ta kết nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai, nếu không có trí nhớ ắt hẳn chúng ta sẽ không thể xác định được mình là ai cũng như không định hướng được thời gian lẫn không gian.


Trí nhớ đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống mỗi người
Một số vấn đề liên quan đến trí nhớ
Từ những phân tích trên, có thể thấy trí nhớ đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với cuộc sống mỗi người. Tuy nhiên, trí nhớ có thể bị ảnh hưởng bởi các vấn đề sức khỏe. Một số bệnh lý ảnh hưởng đến trí nhớ có thể nhắc đến như:

  • Sa sút trí tuệ: Là tình trạng suy giảm chức năng nhận thức xảy ra ở người cao tuổi. Điều này có thể dẫn đến những khó khăn trong suy nghĩ, ghi nhớ, học hỏi, và thực hiện các hoạt động cuộc sống hằng ngày khác. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sa sút trí tuệ trong đó bao gồm lão hóa, bệnh lý não hoặc do yếu tố môi trường tác động.
  • Suy giảm trí nhớ: Đây là bệnh lý khó khăn trong việc ghi nhớ thông tin mới hoặc lấy lại thông tin đã có. Suy giảm trí nhớ có thể tạm thời hoặc lâu dài. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến suy giảm trí nhớ bao gồm tuổi cao, chấn thương đầu, trạng thái tâm lý, bệnh mạch máu não, thoái hóa thần kinh,...
  • Mất trí nhớ: Là tình trạng mất hoàn toàn trí nhớ, có thể do chấn thương não hoặc một số loại thuốc gây ra.
  • Bệnh Alzheimer: Đây là bệnh lý tiến triển gây tổn thương các tế bào não, từ đó gây suy giảm khả năng tư duy, khả năng thực hiện các nhiệm vụ hàng ngày.
  • Bệnh parkinson: Bệnh lý này chủ yếu ảnh hưởng đến khả năng vận động tuy nhiên vẫn có khả năng ảnh hưởng đến trí nhớ và tư duy. Người bệnh thường gặp khó khăn trong việc tập trung và lập kế hoạch.

Ngoài ra còn có những bệnh lý liên quan đến trí nhớ bao gồm như đột quỵ, nhiễm trùng não, chấn thương đầu, u não, thiếu máu, tăng đường huyết, rối loạn tuyến giáp,...


Suy giảm trí nhớ là một trong những bệnh lý liên quan đến trí nhớ
Cách cải thiện trí nhớ
Cải thiện trí nhớ là cách giúp chúng ta tăng cường hiệu suất học tập và làm việc cũng như giảm nguy cơ mắc các bệnh lý liên quan đến trí nhớ khi lão hóa. Để cải thiện trí nhớ hiệu quả chúng ta có thể áp dụng một trong các cách sau:

  • Xây dựng chế độ dinh dưỡng cân đối: Chế độ ăn giàu chất chống oxy hóa cũng như giàu omega-3, hạn chế tiêu thụ đường cùng các chất béo bão hòa là cách bảo vệ trí nhớ tốt.
  • Luyện tập thể dục thể thao: Vận động sẽ giúp tăng cường lưu thông máu đến não bộ, từ đó giúp cải thiện khả năng ghi nhớ của não. Vì vậy, luyện tập thể dục thể thao không những tốt cho sức khỏe vật lý mà còn giúp tăng cường trí nhớ lẫn khả năng tư duy.
  • Thiền định: Đây là cách phát huy trí nhớ hiệu quả. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng thiền định sẽ giúp làm chậm thoái hóa não, xoa dịu căng thẳng và phòng tránh chứng trầm cảm.
  • Ngủ đủ giấc: Ngủ đủ giấc là điều kiện quan trọng để não bộ hoạt động hiệu quả. Việc thường xuyên thiếu ngủ sẽ khiến suy giảm nhận thức và trí nhớ kém. Chính vì vậy, mỗi người cần ngủ đủ 8 tiếng/ngày để não bộ luôn tỉnh táo, tập trung.
  • Tạo thói quen đọc sách: Đọc sách là cách tuyệt vời để rèn luyện não bộ bằng cách học hỏi những thông tin mới, cải thiện khả năng ghi nhớ.


Thiền định sẽ giúp xoa dịu căng thẳng và giúp phát huy trí nhớ hiệu quả
Bài viết trên đây là toàn bộ thông tin về trí nhớ mà chúng tôi muốn gửi đến bạn. Có thể thấy trí nhớ đóng vai trò vô cùng quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của mỗi chúng ta. Vì vậy, chúng ta nên có những biện pháp để duy trì, cải thiện cũng như phát triển trí nhớ. Nếu có những dấu hiệu bất thường hoặc gặp khó khăn trong việc ghi nhớ thông tin, hãy liên hệ với bác sĩ để được hỗ trợ bạn nhé.

Lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.

Bài nổi bật

Cùng chuyên mục